Hoàn thành mục tiêu giai đoạn đầu thực hiện đề án trồng 1 tỉ cây xanh

Hoàn thành mục tiêu giai đoạn đầu thực hiện đề án trồng 1 tỉ cây xanh

Ngày đăng: 03/01/2022 10:52 PM
Lượt xem: 320

    Thực hiện đề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ đề ra, năm 2021, ngành Lâm nghiệp hoàn thành nhiều mục tiêu.

    Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), đề án “Trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025” của Thủ tướng Chính phủ được phê duyệt trong tháng 4.2021, mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỉ cây xanh, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước. 

    Địa điểm trồng cây xanh tại khu vực nông thôn, gồm: Trồng trên đất vườn nhà, hành lang giao thông, ven sông, kênh, mương, bờ vùng, bờ thửa, nương rẫy và các công trình công cộng khác…

    Chiều 28.12.2021, tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Lâm nghiệp, ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - nhấn mạnh: Đề án trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025 đã thu hút sự quan tâm, vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương. 100% chỉ tiêu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra...

    "Hệ thống rừng đặc dụng và phòng hộ với diện tích, cơ cấu đáp ứng cơ bản yêu cầu về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phát huy hiệu quả chức năng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ ven biển, chống xói mòn đất đai, sa mạc hóa và giảm nhẹ thiên tai; đóng góp tích cực vào bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh môi trường. Việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được kiểm soát chặt chẽ" - ông Bùi Chính Nghĩa khẳng định.

    Với mục tiêu trồng mới 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025, riêng năm 2021, ngành lâm nghiệp đặt chỉ tiêu trồng cây xanh cao hơn 1,5 lần và từ năm 2022 đến 2025 cao gấp 2 lần so với kết quả thực hiện năm 2020... đã thu hút sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn ngành và các địa phương.

    Trong đó, tỉnh Ninh Thuận có nhiệm vụ trồng mới thành công 8.966.000 cây xanh cho việc trồng rừng tập trung và trồng cây xanh phân tán. Cụ thể, cây xanh cho trồng rừng tập trung là 4.603.440 cây (tương đương khoảng 3.942,22ha) và 4.362.560 cây phân tán. Tiến độ trồng cây xanh phân tán hàng năm được dự kiến như sau: Năm 2021: 460.302 cây; năm 2022: 816.182 cây; năm 2023: 942.312 cây; năm 2024: 1.038.660 cây; năm 2025: 1.105.104 cây...

    Duy trì tỉ lệ che phủ từng ổn định ở 42%

    Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2022, ngành lâm nghiệp đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm đó là phấn đấu duy trì ổn định tỉ lệ che phủ rừng 42%, nâng cao chất lượng rừng. Trồng 230.000ha rừng tập trung, trồng 122 triệu cây phân tán. Khai thác 31,5 triệu mét khối gỗ. Phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu lâm sản 16 tỉ USD. Thu dịch vụ môi trường rừng: 3.000 tỉ đồng.

    Để thực hiện những mục tiêu trên, Tổng cục Lâm nghiệp đã đề ra 10 nhóm giải pháp, trong đó trọng tâm là bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện hiệu quả chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án trọng điểm; tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28.3.2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng...

    Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ông Lê Thành Đô - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên - cho biết: Hiện toàn tỉnh có hơn 5.000ha cây caosu, 2.500ha cây càphê; trên 600ha cây chè... Riêng đối với cây mắc ca, tổng diện tích đã trồng hơn 3.800ha (năm 2021 trồng hơn 920ha). Đến nay, diện tích cây mắc ca 4-5 tuổi đã cho thu hoạch quả với năng suất, chất lượng có triển vọng tích cực. Tỉnh Điện Biên cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cây mắc ca với diện tích hơn 47.000ha, tổng số vốn đầu tư hơn 8.800 tỉ đồng.

    “Tỉnh tập trung phát triển cây mắc ca đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quy mô khoảng 120.000ha theo hướng thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết với người dân và hợp tác xã” - ông Lê Thành Đô thông tin.